Covid-19 không thể biến mất hoàn toàn gần như là một sự thật cần phải chấp nhận cho tới giai đoạn này. Tuy nhiên việc lây nhiễm tràn lan như hiện nay cũng không phải là một tiến triển tốt trong quá trình kiểm soát bệnh. Vậy có biện pháp gì tốt hơn để vẫn duy trì kinh tế mở cửa mà giảm bớt tình trạng lây nhiễm?
Thực tế bối cảnh
Hiện nay F0 không phải cách ly tập trung mà chỉ cách ly tại nhà.
Đa số các ca nhiễm hiện nay đều nhẹ, không có nhiều triệu chứng nặng, người bệnh vẫn tự chăm sóc bản thân được mà không cần phải có người chăm sóc tận giường.
Rất nhiều trẻ em bị nhiễm bệnh do đi học mà trẻ em thì không hiểu rõ cách ly thì cần làm gì và nên làm như thế nào.
Số ca nhiễm trong cộng đồng nhiều vô số, mỗi ngày cả nước có thể lên tới 150k - 200k ca mắc mới, đó là chưa kể những ca nhiễm nhưng không báo cáo.
Câu hỏi: Tại sao số ca nhiễm lại nhiều như vậy mặc dù vẫn hô hào 5K trong cộng đồng?
Trong bối cảnh đã mở cửa ra làm kinh tế thì thực sự rất khó thực hiện 5K trong cộng đồng một cách triệt để. Hoặc chỉ là tuân thủ các biện pháp phòng bệnh cơ bản cũng là rất khó.
Hình dung thử nếu 1 việc gì đó hướng dẫn chung cho 100 người cùng làm thì sẽ rất khó giám sát 100 người đó cùng thực hiện đúng chuẩn tất cả thao tác mọi lúc mọi nơi. Tuy nhiên nếu chỉ 10 người thực hiện thì khả năng thực hiện đúng sẽ cao hơn, số lỗi sai mắc phải đếm được sẽ ít hơn so với 100.
Do đó, nếu nói 5K với cộng đồng thì quá khó, nhưng 5K với số F0 thì sẽ dễ hơn nhiều lần nếu các F0 có thể hiểu rõ những việc mình "có trách nhiệm" phải làm.
Thực tế F0 đang được quản lý quá lỏng lẻo và thiếu kiến thức phòng bệnh cho người khác. Mức độ lây nhiễm từ chủng mới nhanh. Nhưng chúng ta chỉ nói đơn giản là “cách ly F0”, chứ không thực sự hiểu F0 cần làm gì cụ thể để tránh lây nhiễm. Vì vậy nếu trong nhà có F0 thì hầu như lây nhiễm cho tất cả các thành viên trong gia đình. Rồi các thành viên trong gia đình nhiễm nhưng chưa có triệu chứng sẽ đi ra ngoài cộng đồng và lây tiếp cho người khác. Nếu giảm số ca lây trong gia đình thì có lẽ sẽ giảm được số ca lây lan trong cộng đồng nhanh hơn.
Là một người học về sinh học, mình từng làm trong phòng lab, tuy không nhiều, nhưng cả thời đại học và cao học thì tính ra cũng có khoảng 18 tháng vùi mình ở các lab CNSH mà lúc nào cũng quan ngại về “nhiễm- nhiễm-nhiễm” và làm hư mẫu, không ra kết quả…vì vậy mình nhìn thấy được có quá nhiều điểm chạm để F0 lây nhiễm cho người khác dù là đang cách ly trong phòng riêng đi nữa.
Và thực tế Covid-19 không phải "bệnh 1 lần" mà tỷ lệ tái nhiễm rất cao, có rất nhiều người đã nhiễm lần 2, thậm chí lần 3. Vì vậy, nếu chúng ta không giảm bớt tỷ lệ nhiễm từ F0 đến người khác, thì vòng tròn lẩn quẩn nhiễm đi nhiễm lại sẽ không ngừng. Nhiễm Covid-19 dù mức độ nhẹ thì thời gian bệnh và mức độ bệnh vẫn nặng hơn là một cơn cúm thông thường.
Làm sao để F0 hạn chế lây nhiễm cho người khác?
Có lẽ nên tập trung vào vấn đề này trong giai đoạn này hơn bao giờ hết, thay vì suốt ngày bàn về việc giới hạn đi lại, giãn cách, nghỉ làm nghỉ học… Giảm lây nhiễm từ F0 cũng sẽ có nhiều ý nghĩa hơn trong tương lai sắp tới khi toàn bộ thế giới mở rộng hội nhập và Covid-19 thì vẫn tồn tại chứ không biến mất như một số dịch bệnh khác.
Trẻ nhỏ không đủ ý thức nhưng trẻ từ cấp 2 trở lên cần được giáo dục cách thức tránh lây nhiễm cho người khác.
Một số việc thực tiễn F0 cần làm:
- F0 phải được cách ly trong phòng riêng hoặc một khu vực trống riêng trong nhà. Đây là điều tiên quyết.
- Covid-19 lây qua đường hô hấp. Nên trong trường hợp chạm mặt bất kỳ ai hoặc khi đi đến khu vực chung trong thời gian ngắn thì F0 cũng cần đeo khẩu trang loại tốt nhất có thể trang bị (KF94 hoặc N95 – chuẩn quốc tế có chứng nhận, ví dụ của 3M). Tuy nhiên nên hạn chế tối đa việc tiếp xúc với người khác hoặc F0 tự ý ra khu vực chung.
Lưu ý: Covid-19 có những triệu chứng như cảm cúm nên ách xì, ho, sổ mũi, đàm…là hiển nhiên. Các dịch nhầy này đều có lượng virus cao để lây nhiễm. Nó bị phát tán ra không khí nếu mình ra môi trường ngoài mà không đeo khẩu trang. Nó dính lên bàn tay, cánh tay, điện thoại, máy tính… Nó dính trên khăn giấy mình dùng hỉ mũi (mình đang có 1 thùng khăn giấy thải bỏ đây!!!). Vì vậy cần xử lý đúng các yếu tố lây nhiễm này.
- Cần có 1 chai xịt cồn 70 độ ngay bên ngoài cửa phòng. Khi F0 muốn ra khỏi phòng vì bất kỳ lý do nào, F0 cần xịt cồn 70 độ lên bàn tay và cánh tay, lên tới khuyủ tay. Sau đó xịt cồn lên 2 nắm tay cửa (cả trong phòng lẫn phía ngoài phòng) để tránh bản thân mình lẫn người khác chạm vào nắm tay cửa phòng mình sẽ lây lan virus. Khi F0 quay lại phòng cách ly, cần xịt cồn lên nắm tay cửa 1 lần nữa để diệt khuẩn cẩn thận.
- Tất cả vật dụng cá nhân đều để trong phòng (điện thoại, ipad, máy tính, sổ tay, sách báo, khăn giấy đã dùng lẫn chưa dùng, bút viết…) không được đem ra khỏi phòng cách ly. Vì tất cả đều chứa virus và người khác có thể vô tình cầm lên tiếp xúc với virus. Chỉ đi ra ngoài tay không và khử khuẩn tay sạch sẽ.
- Khi ra khỏi phòng, bất cứ thứ gì chạm vào cần phải rửa xà phòng cẩn thận trước khi để vào chỗ cũ cho người khác dùng. Ví dụ lấy ly để châm nước vào bình riêng của mình thì ly đó sau khi dùng xong phải rửa xà phòng mới đặt lên kệ ly. Muỗng khuấy cafe hay khuấy đường thì cũng phải rửa xà phòng mới đặt lại giá cất chứ không theo thói quen đồ không mỡ mạc thì chỉ rửa tráng bằng nước thường. Phải hiểu là tay mình có thể đem virus lây vào những vật dụng này, nếu đặt lại vào giá sẽ lây nhiễm cho người kế tiếp sử dụng mà họ không hề biết.
- Không dùng chung chén muỗng đũa, thức ăn thức uống với người khác. F0 nên tự giác ăn riêng trong phòng. Sau khi ăn xong đồ dùng đem ra ngoài cần rửa xà bông ngay tức thì chứ không thải chén đĩa muỗng ra ngoài trong tình trạng chưa xịt khuẩn tránh người khác chạm vào.
- Khẩu trang và khăn giấy F0 dùng tuyệt đối không để bên ngoài môi trường chung, phải đeo trên người và chỉ tháo ra trong phòng cách ly. Những vật phẩm chứa virus này sau quá trình cách ly đem dọn bỏ vào 1 cái bao và cột kín. Sau đó xịt cồn 70 độ toàn bộ tay mình và bao rác này cẩn thận mới đem bao rác ra ngoài bỏ.
- Quần áo F0 mặc có thể nên tự đem giặt hoặc nếu ai giặt giúp mình thì người ấy cần đeo khẩu trang cẩn thận, sau khi bỏ máy giặt thì phải xịt cồn 70 độ từ bàn tay tới tận khuỷu tay để khử khuẩn. Thực tế virus không sống trên bề mặt vải vóc quá lâu, nếu được nên gom đồ sau 10 ngày cách ly hãy giặt 1 lần. Quần áo chưa giặt thì cần để trong phòng cách ly chứ không đem bỏ ra nhà chung bên ngoài.
- Dùng bình xịt cồn 70 độ lên nắm tay cửa các phòng khác trong nhà một ngày 2-3 lần, kể cả phòng tắm, phòng WC, đặc biệt là những nhà dùng chung phòng WC chứ không có WC riêng cho từng phòng.
- Nếu trẻ nhỏ trong nhà nhiễm, nên có 1 phụ huynh hi sinh cách ly chung và thực hiện đúng những điều hướng dẫn phía trên để tránh lây hết cho cả nhà.
Lời kết
Xịt cồn 70 độ để khử khuẩn là rất hiệu quả nhưng cần biết xịt khi nào và xịt tại đâu. Rất nhiều gia đình mua súng xịt dung dịch sát khuẩn có chiếu đèn và bắn loạn xạ lên không trung nhưng khi có F0 ở nhà thì cả nhà đều nhiễm chứ không đem lại hiệu quả chút nào. Lý do là vì hành động phun khử khuẩn đó giống như việc bắn chỉ thiên mà thôi, không trúng mục tiêu, giá trị phòng ngừa lây nhiễm lẫn nhau là thấp. Khi biết mục tiêu tại đâu, 1 bình xịt cồn nhỏ xíu thôi bạn cũng đủ để diệt trúng Covid-19 và bảo vệ người khác rồi đó!
Commenti