By Cecilia CB, 08/08/2021
Thiết bị SpO2 có thể có ích nếu bạn biết dùng, nhưng ai nhiễm Covid-19 cũng đều nên mua chúng hay sao? Điều này hoàn toàn không rõ ràng và còn nhiều tranh cãi.

Trước bối cảnh Sài Gòn cùng cả nước đang bước vào đợt đại dịch khủng khiếp nhất từ trước đến giờ, với gần 10K ca nhiễm mới mỗi ngày, bệnh viện quá tải, các cán bộ y tế không đủ để đáp ứng điều trị. Vì vậy, rất nhiều ca nhiễm không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ không nguy hiểm được khuyên nên ở nhà tự theo dõi và tự điều trị. Vì vậy, để hỗ trợ người dân, đã có rất nhiều tài liệu hướng dẫn tự điều trị bệnh Covid-19 tại nhà xuất hiện và được chia sẻ trên các trang mạng xã hội rộng rãi. Có những tài liệu được biên soạn dựa trên các hướng dẫn từ WHO bởi một hoặc một nhóm bác sĩ, là một sự nỗ lực lớn lao đáng ghi nhận.
Trong số các biện pháp được hướng dẫn, có đề cập đến việc kiểm tra nồng độ Oxy máu là rất quan trọng bởi vì nó cho biết tình trạng thiếu oxy thầm lặng dẫn đến suy hô hấp ở bệnh nhân Covid-19. Người bệnh có thể tự theo dõi nồng độ oxy với thiết bị dùng tại nhà Pulse Oximeter hay SpO2. Vì vậy, cũng dấy lên phong trào mua và bán thiết bị SpO2. Vậy thiết bị SpO2 cụ thể là gì?
Tóm tắt về thiết bị SpO2
SpO2 là một thiết bị điện tử nhỏ gọn nhằm đo nồng độ oxy trong máu bằng cách kẹp vào đầu ngón tay. Thiết bị phát ra chùm tia sáng đi qua móng tay, da, mô và máu. Ở phía bên kia của ngón tay, một cảm biến sẽ phát hiện và đo lượng ánh sáng đi qua ngón tay mà không bị mô và máu hấp thụ. Sử dụng phép đo đó, thiết bị sẽ tính toán độ bão hòa oxy của máu.
Thông thường ở người khoẻ mạnh, mức độ oxy bão hoà trong máu sẽ từ 95% - 100%, dưới mức 95% cần liên hệ kiểm tra với bác sĩ, nếu mức oxy trong máu hạ dười mức 90% thì phải nhập viện cấp cứu.
Nên mua hay không nên mua thiết bị đo SpO2 tại nhà?
Nhận định từ giới chuyên môn
Để thực sự cân nhắc xem có nên mua hay không một thiết bị SpO2 tại nhà thì vẫn còn rất nhiều tranh cãi từ các bác sĩ. Bác sĩ Denyse Lutchmansingh (Denyse Lutchmansingh, MD) cho rằng đối với bệnh nhân Covid-19 điều trị ngoại trú đã có những triệu chứng như sốt, ho, và khó thở, thì việc theo dõi nồng độ oxy máu đem lại nhiều lợi ích, và trở thành yếu tố quyết định để đưa họ vào bệnh viện vào lúc nào.
Cũng theo bác sĩ Lutchmansingh, chúng ta nên tham khảo ý kiến bác sĩ nếu muốn dùng một thiết bị SpO2 tại nhà để được hướng dẫn cách thức theo dõi. Theo cô “Thiết bị sẽ hữu ích để bạn biết chỉ số ban đầu của mình, sau đó, nếu có bất kỳ biến động nào khi đo những lần tiếp theo, bạn nên nói với bác sĩ để họ có thể chẩn đoán tốt hơn và đo kiểm tra lại từ thiết bị chuyên dụng.”
Trên một bản tin từ New York Times, một bác sĩ cấp cứu tại Hampshire cũng cho rằng nếu có thể phát hiện tình trạng thiếu oxy thầm lặng, thì bác sĩ sẽ có thể can thiệp tốt hơn để những bệnh nhân Covid-19 không cần dùng đến máy thở.
Tuy nhiên, Hiệp hội Phổi Hoa Kỳ (The American Lung Association) khuyên không nên mua máy đo SpO2 một cách không cần thiết và khuyến cáo mọi người nên tập trung nhận thức về các triệu chứng COVID-19 khác.
Nhận định từ FDA
Trong bản khuyến cáo từ FDA cho thấy, các thiết bị tại nhà SpO2 hiện nay không có những chuẩn mực rõ ràng, và giá cả rất vô chừng, dao động từ vài trăm nghìn đồng đến vài triệu đồng. Có rất nhiều yếu tố có thể dẫn đến sự sai số trong khi đo như tuần hoàn máu kém, màu da, nhiệt độ da, độ dầy da, da không sạch, hút thuốc hay sơn móng tay. Kết quả đo sẽ chính xác hơn đối với nồng độ oxy máu từ 80% trở lên. Và độ chính xác của thiết bị sẽ kém hơn khi đo ở người da màu so với da trắng.
Đối với các đơn vị chuyên môn, FDA khuyên rằng cần hỏi rõ nhãn hiệu thiết bị SpO2 mà đơn vị hay người bệnh dùng, từ đó xem xét mức độ sai số của thiết bị và đưa ra phán đoán tốt hơn đối với kết quả. Mặt khác, chỉ có thể đưa ra chẩn đoán và điều trị dựa trên xu hướng kết quả đo oxy máu theo thời gian, không thể đọc trên kết quả tuyệt đối mà thiết bị hiển thị tại một lần đo.
FDA cho biết hiện nay có 2 phân nhóm thiết bị SpO2 tại nhà:
Thiết bị kê toa: được xem xét bởi FDA, nằm trong phân hạng 501K, và chỉ được mua khi có kê toa của bác sĩ. FDA yêu cầu các máy đo oxy này phải trải qua thử nghiệm lâm sàng để xác nhận độ chính xác của chúng. Ở Mỹ, chúng thường được sử dụng nhiều nhất trong bệnh viện và văn phòng bác sĩ, mặc dù đôi khi chúng có thể được kê đơn để sử dụng tại nhà.
Việc đọc kết quả SpO2 chỉ nên xem là một giá trị ước tính của độ bão hòa oxy. Ví dụ, nếu máy đo oxy được FDA xét duyệt cho kết quả là 90%, thì độ bão hòa oxy thực sự trong máu nói chung là từ 86-94%.
Độ chính xác của máy SpO2 cao nhất ở độ oxy bão hòa 90-100%, trung bình khi mức oxy trong ngưỡng 80-90% và độ chính xác thấp nhất khi oxy dưới 80%.
Thiết bị OTC (over-the-counter): bán tự do cho người tiêu dùng, bao gồm cả thiết bị rời hoặc các ứng dụng trên điện thoại. Máy đo oxy OTC không được FDA công nhận và không được sử dụng cho mục đích y tế.
Lời kết
Việc mua hay không nên mua một thiết bị SpO2 tại nhà hoàn toàn là do bản thân bạn hiểu nên dùng nó như thế nào. Nếu bạn muốn dựa vào một thiết bị để phán đoán tình huống nguy hiểm của bệnh nhân Covid-19 hoặc bệnh nhân mắc bệnh phổi, hãy chọn mua thiết bị đã được FDA xét duyệt. Đồng thời tìm hiểu cẩn trọng về cách sử dụng để giảm tối thiểu sai số trong quá trình đo, và cách ghi nhận kết quả qua từng lần đo để có thể cung cấp được xu hướng thay đổi nồng độ oxy máu khi gửi kết quả cho bác sĩ.
Lưu ý rằng không nên dựa vào chỉ số tuyệt đối từ thiết bị SpO2 để đánh giá mức độ thiếu oxy thầm lặng, hãy để bác sĩ đọc các kết quả một cách chuẩn xác hơn!
Nguồn tham khảo
1. www.yalemedicine.org/news/covid-pulse-oximeter
2. www.yalemedicine.org/conditions/pulse-oximetry
3. www.fda.gov/medical-devices/safety-communications/pulse-oximeter-accuracy-and-limitations-fda-safety-communication
Comments